Bắc Giang thành lập hàng loạt cụm công nghiệp với vốn đầu tư hơn 1.871 tỷ đồng

Chỉ tính riêng trong tháng 3/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã liên tiếp thành lập nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đó là các cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm, Phượng Sơn, Thanh Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 1.871 tỷ đồng…
Hình ảnh tin tức Bắc Giang thành lập hàng loạt cụm công nghiệp với vốn đầu tư hơn 1.871 tỷ đồng

Địa phương cho biết, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định về việc thành lập cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm, huyện Lục Nam và huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang với diện tích 50ha.

Cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm thuộc địa bàn thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam và xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Ranh giới phía Bắc giáp dân cư hiện trạng và cánh đồng canh tác thôn Kẻn, thị trấn Phương Sơn; phía Nam giáp nhà xưởng, dân cư hiện trạng và cánh đồng canh tác thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm; phía Tây giáp dân cư và đất canh tác nông nghiệp thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm; phía Đông giáp đường bê tông và khu nuôi trồng thủy sản thôn Phương Lạn, thị trấn Phương Sơn.

Sau khi cụm công nghiệp hoàn thành sẽ thu hút đầu tư các ngành nghề: điện, điện tử, truyền thông, cơ khí, may mặc, thiết bị dụng cụ y tế, dược, chế biến nông sản thực phẩm, bao bì và các sản phẩm từ nhựa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo khác.

Cụm công nghiệp Phương Sơn - Đại Lâm có tổng mức đầu tư là 576,235 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm.

Về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từ tháng 3 - 12/2023, chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế bản vẽ thi công, đánh giá tác động môi trường chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Từ tháng 1/2024 - 1/2025, bồi thường, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng các hạng mục kỹ thuật của dự án, trong đó có trạm xử lý nước thải; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sản xuất kinh doanh lấp đầy tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp.

Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh quyết định thành lập cả cụm công nghiệp Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn với diện tích 65 ha. Dự án có tổng mức đầu tư là 806,669 tỷ đồng từ vốn của chủ đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian hoạt động của dự án  50 năm. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là Liên danh Công ty cổ phần Đại Phước Bắc Giang (nay đổi tên là Công ty cổ phần DP INVEST) và Công ty TNHH đầu tư CN Đông Bắc.

Ngoài ra, Bắc Giang còn thành lập cụm công nghiệp Thanh Sơn, huyện Sơn Động diện tích 46 ha, tổng mức đầu tư 488,181 tỷ đồng. Cụm công nghiệp có phía Bắc giáp suối, phía Nam giáp đường tỉnh 293, phía Đông giáp đồi trồng keo, phía Tây giáp khu dân cư thôn Đồng Thanh. Các ngành nghề thu hút đầu tư bao gồm: sản xuất, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; may mặc; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; công nghiệp chế biến, chế tạo khác, công nghiệp hỗ trợ. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Được biết, trong Quyết định số 797/QĐ-UBND ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 do UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt, thì tỉnh đã nêu rõ những định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, Bắc Giang xác định đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp. Tỉnh sẽ quy hoạch và bố trí quỹ đất khoảng hơn 10.000 ha cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp.

Để thực hiện, tỉnh ưu tiên phát triển các khu công nghiệp theo hướng hình thành mới, hoặc trên cơ sở mở rộng những cụm công nghiệp ở những nơi có đủ quỹ đất, không gian. Chỉ xây dựng mới các cụm công nghiệp ở những nơi không thể mở khu công nghiệp, hoặc những nơi cần có cụm công nghiệp để giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương đó.

Đối với nơi chưa thể đầu tư khu công nghiệp ngay, thì đầu tư cụm công nghiệp nhưng phải đầu tư các hạng mục về giao thông, xử lý môi trường, cung cấp điện, nước... theo tiêu chuẩn của khu công nghiệp để phát triển thành khu công nghiệp trong tương lai.

Theo VNEconomy

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Hotline tư vấn

 0368 59 0176