Bắc Giang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 9 khu công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch xây dựng. Trong đó, 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha; 5 khu công nghiệp đang hoạt động…
Theo Quyết định số 219/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì công nghiệp được xác định là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, để đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng.
Qua thống kê của địa phương, đến tháng 4/2022 trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng. Trong đó, 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha; 5 khu công nghiệp đang hoạt động.
Bao gồm: Khu công nghiệp Việt Hàn diện tích 197,31 ha; Khu công nghiệp Hòa Phú diện tích 207,45 ha; Khu công nghiệp Tân Hưng, diện tích 105,3ha; Khu công nghiệp Yên Lư, diện tích 377ha; Khu công nghiệp Yên Sơn – Bắc Lũng, diện tích 300ha.
Ngoài ra còn có Khu công nghiệp Quang Châu, diện tích 426 ha; Khu công nghiệp Vân Trung, diện tích 350,3 ha; Khu công nghiệp Đình Trám, diện tích 127,4 ha; Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, diện tích 158,7 ha, có thể mở rộng lên 300 ha;
Được biết, Đồ án quy hoạch Khu phía nam Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng 44,91 ha nằm hai bên đường QL17, thuộc địa giới hành chính xã Tiền Phong và xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng cũng vừa được phê duyệt.
Khu phía Nam Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng có tính chất là khu công nghiệp tập trung, đa ngành như: chế biến nông, lâm sản, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, bao bì và các ngành công nghiệp phụ trợ…; kinh doanh vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ tài chính ngân hàng; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Theo giải pháp tổ chức không gian từ trục giao thông chính là QL17 có chiều rộng 36m, là trục không gian chủ đạo của khu công nghiệp, kết nối các trục không gian, công trình, khu vực nhà máy, khu vực hành chính, dịch vụ, vườn hoa, bãi đỗ xe với nhau, hai bên vỉa hè trồng các loại cây bóng mát tạo cảnh quan và giảm thiểu bụi.
Vị trí các điểm giao thông kết nối giữa đường đối nội và đối ngoại là khu vực không gian quan trọng như: cổng chính, cổng phụ khu công nghiệp, tuyến đường dân sinh phía Nam để phục vụ nhân dân đi lại, không làm ảnh hưởng đến hoạt động trong khu công nghiệp. Cây xanh tập trung, cây xanh cách ly được bố trí dọc theo các tuyến đường QL17, và tuyến đường dân sinh giữa các khu chức năng, đảm bảo giảm thiểu tiếng ồn và bụi. Khu dịch vụ và trung tâm điều hành bố trí gần trục giao thông chính thuận tiện cho đi lại quản lý và khai thác bao gồm: các công trình văn phòng, trung tâm điều hành, dịch vụ, vườn hoa...
Những hạng mục chính ưu tiên đầu tư xây dựng: công trình công cộng, dịch vụ, hành chính, nhà xưởng sản xuất...; hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện và khu xử lý nước thải...
Được biết trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định đến năm 2030 sẽ phát triển 29 khu công nghiệp với diện tích 7.000 ha và 63 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 3.906 ha. Các khu vực bố trí tập trung khu, cụm công nghiệp gồm: Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1A, cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; Khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398, ĐT296-ĐT295-QL37-QL17-ĐT299; Khu vực công nghiệp phía đông theo tuyến hành lang ĐT293-QL37, vành đai V.
-Theo https://vneconomy.vn/_